Hỗ trợ trực tuyến

Danh mục sản phẩm
Fanpage
Thống kê truy cập
Online: 1
Lượt truy cập: 317142
Tin tức chi tiết
Chật vật tìm CEO ngân hàng

Từ cuối năm 2011 tới nay, thị trường ngân hàng chứng kiến nhiều câu chuyện đi - ở của các nhân sự VIP. Techcombank, Maritime Bank lần lượt chia tay giám đốc cũ và đón CEO ngoại. Làn sóng thay CEO cũng diễn ra dồn dập hơn cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Riêng trong tuần qua, cùng một lúc 3 ngân hàng Sacombank, TienPhong Bank và VPBank bổ nhiệm CEO mới. Tuy nhiên, cả 3 đều là những cái tên không hề xa lạ trong giới. Ông Phan Huy Khang - CEO mới của Sacombank - lại từng là tổng giám đốc của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Trong khi đó, tân CEO VPBank chính là ông Nguyễn Đức Vinh - người từng chèo lái Techcombank hơn 10 năm (2000-2011). Người cũ của VPBank là ông Nguyễn Hưng lại đảm nhận tổng giám đốc tại TienPhong Bank.

Nhiều ngân hàng phải đỏ mắt kiếm tìm CEO giỏi trong bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Nhiều ngân hàng phải đỏ mắt kiếm tìm CEO giỏi trong bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, chính câu chuyện CEO "chạy" lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau cho thấy thị trường này đang vắng bóng nhân sự chủ chốt và cấp cao như thế nào. Lý giải với VnExpress.net về thực trạng này, một cựu cán bộ cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cho biết, vị trí CEO quá rủi ro và nhiều áp lực nên các ông chủ nhà băng cũng muốn tìm ai đáng tin cậy, kinh nghiệm trên thị trường thay vì một nhân vật mới.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐQT TienPhong Bank Đỗ Minh Phú cũng thừa nhận: "CEO là vị trí rất quan trọng trong ngân hàng. Cả nước có hàng triệu giám đốc doanh nghiệp, nhưng CEO ngân hàng chỉ có 42 người. Bản thân họ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt".

Từng ngồi trên ghế nóng CEO nhiều năm nhưng lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng thừa nhận vị trí này vô cùng áp lực và ở Việt Nam đúng là khó tìm người phù hợp. Vị này cũng vừa nhận quyết định bổ nhiệm làm CEO tại một ngân hàng mới cách đây ít lâu. "Kinh nghiệm chỉ là một phần thôi vì khi làm tổng giám đốc sẽ rất khác so với vị trí phó tổng hay giám đốc chi nhánh. Yêu cầu với một CEO sẽ cao hơn và trách nhiệm nặng nề hơn", CEO này chia sẻ.

Tìm CEO giỏi luôn là bài toán đau đầu với các ông chủ ngân hàng. TienPhong Bank đã bỏ trống vị trí này suốt từ tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, Agribank thậm chí vẫn chưa "kén" được CEO nào phù hợp kể từ giữa năm 2011. LienVietPostBank cũng loay hoay tìm kiếm CEO, trong 4 năm hoạt động ngân hàng này có tới 3 CEO. Nhà điều hành mới nhất của ngân hàng này cũng vừa nhậm chức hơn 3 tháng Đến tháng 3 năm nay, LienVietPostBank mới chọn được CEO ưng ý là ông Phạm Doãn Sơn - người có thâm niên trong lĩnh vực ngân hàng gần 20 năm.

Trước đây, không ít CEO đã phải "dừng cuộc chơi" bởi sự khốc liệt trong thị trường đầy rủi ro như ngân hàng. TienPhongBank trong quá khứ từng có một CEO trẻ nhất ngành ngân hàng (sinh năm 1977) - ông Đào Trọng Khanh. Áp lực công việc quá cao cùng với những khó khăn của thị trường buộc vị CEO này phải từ nhiệm năm 2011.

Kể về hành trình tìm kiếm tân CEO Nguyễn Hưng, Chủ tịch TienPhong Bank ví von: "TienPhong Bank không phải cô tiểu thư con nhà giàu, cũng không quá xinh đẹp mà là một cô gái chân phương muốn tìm một anh chồng chịu khó chứ không cầu viện tới những anh công tử hào hoa bóng mượt nhưng chẳng được việc gì". Ông Phú thừa nhận ngân hàng đã phải tìm CEO đúng vào giai đoạn rất áp lực: Tái cơ cấu. Khi đó, ngân hàng phải tự thân tái cơ cấu nên việc tuyển CEO, HĐQT phải tự kiếm tìm.

Thông thường, khi khó tuyển dụng, nhà băng sẽ gõ cửa những công ty "săn đầu người" (nhân sự). Tuy nhiên, "săn" những vị trí như này là thách thức lớn. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search chia sẻ: "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tuyển những vị trí cấp C (CEO, CFO, COO, CIO cho các ngân hàng bởi cấp này đòi hỏi nhiều thứ: nền tảng đào tạo, kinh nghiệm làm việc, khả năng lãnh đạo, tư duy, tầm nhìn rộng v.v…. Trong khi đó, nguồn cung cho những vị trí này rất hạn hẹp, chỉ có một số đáp ứng được".

Bản thân bộ phận nhân sự của các ngân hàng cũng phải làm việc hết công suất. Chuyên viên nhân sự của một ngân hàng cổ phần cho biết, do thị trường chỉ có vài ngân hàng nên muốn tìm CEO lại phải dòm ngó ngân hàng khác. "Tuy nhiên, rất khó để lôi kéo họ đến với mình nếu người đó đã yên ấm và có nhiều ràng buộc hoặc nắm quá nhiều cổ phần tại ngân hàng cũ", nữ chuyên viên này kể.

Không riêng gì CEO, các vị trí cấp cao khác cho ngân hàng cũng khó tìm. Gần đây, một ngân hàng thương mại nhờ giới "săn đầu người" vào cuộc tìm một CRO (Giám đốc khối Quản trị rủi ro) người Việt nhưng mãi không được. Nhưng theo nhận định của lãnh đạo Công ty Navigos Search, thị trường trong nước chưa có ai đáp ứng vị trí này. "Chúng tôi buộc phải phải làm việc với các đối tác trong khu vực và nhận được nhiều CV từ các ứng viên châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, sẽ rất khó nếu như họ chưa có kinh nghiệm làm việc ở những thị trường mới nổi như Việt Nam. Nói chung, rất khó để tìm được một nhân sự cấp cao thực sự giỏi".

Đảm đương những công việc tối quan trọng và áp lực bậc nhất của một ngân hàng nên các CEO cũng được những ông chủ trả lương xứng đáng. Vài tháng trước, thị trường rộ lên thông tin lương triệu đô mà một, hai ngân hàng đưa ra chào mời CEO mới, cao hơn rất nhiều lương của lãnh đạo các tập đoàn doanh nghiệp tư nhất lớn hàng đầu Việt Nam.

Mặc dù từ chối tiết lộ mức thu nhập cụ thể của tân CEO Nguyễn Hưng nhưng Chủ tịch TienPhong Bank khẳng định: "Các đãi ngộ đủ để khiến anh Hưng có thể hài lòng sau khi rời vị trí quan trọng ở VP Bank”.

Thông thường thu nhập của một CEO ngân hàng gồm lương cố định hằng tháng, lương hiệu quả kinh doanh và thưởng do HĐQT chi trả cùng với các quyền lợi về cổ phiếu.

Ông Phú cũng nói thêm: "Chắc chắn lương tổng giám đốc hay chủ tịch một tập đoàn lớn của Việt Nam cũng không thể cao như lương CEO ngân hàng. Ngay trong hệ thống DOJI của tôi, lương CEO DOJI cũng thấp hơn rất nhiều so với lương của người đồng nhiệm bên Tiên Phong Bank".

Chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán cũng phải thừa nhận: "Tôi thấy làm CEO như con mọn, quá nhiều áp lực và nhiều người đã không thể chịu đựng được. Cũng vì thế mà lương của CEO ngân hàng thường cao hơn ngành khác".

 
  .:Các tin tức khác:.
SẢN PHẨM MỚI
Tin tức
Bản đồ
Liên kết website
CÔNG TY TNHH MTV TM DV DUY KHƯƠNG
Địa chỉ: 196/2 QL1A, KP1, P.Thạnh Xuân, Q.12,TP.HCM
ĐT: 08.625.08.709-DĐ: 0917.121.189
Email: nguyenduy_k@ymail.com - congtyduykhuong@gmail.com